Chùa Tam Thai, được mệnh danh là ngôi chùa lâu đời nhất, trở thành địa điểm du lịch Đà Nẵng về tâm linh nổi tiếng. Nằm trên ngọn núi Thủy Sơn, thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn – Non Nước, chùa Tam Thai nằm lẫn giữa những triền núi đá vô cùng kỳ bí, là địa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
MỤC LỤC
- 1 Giới thiệu tổng quan về chùa Tam Thai – ngôi chùa lâu đời nhất tại Đà Nẵng
- 2 Thời điểm thích hợp để tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn
- 3 Thông tin về địa chỉ và hướng dẫn đường đi đến chùa Tam Thai Đà Nẵng
- 4 Giá vé tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn bao nhiêu tiền, mua ở đâu?
- 5 Thuyết minh về chùa Tam Thai Đà Nẵng điều du khách tò mò nhất
- 6 Nét độc đáo hiếm thấy trong kiến trúc của chùa Tam Thai Đà Nẵng
- 7 Những điều nên trải nghiệm khi đến với chùa Tam Thai Đà Nẵng
- 8 Một số kinh nghiệm đi tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn bạn cần biết?
- 9 Đi chùa Tam Thai có nên mua gì về làm quà hay không?
- 10 Tham quan chùa Tam Thai nên đi tự túc hay là đi tour?
- 11 Một số điểm tham quan khác tại Ngũ Hành Sơn ngoài chùa Tam Thai
Giới thiệu tổng quan về chùa Tam Thai – ngôi chùa lâu đời nhất tại Đà Nẵng
Chùa Tam Thai được biết là một ngôi chùa cổ nhất ở Đà Nẵng, nằm trên ngọn Thủy Sơn, thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Dù gốc tích của nó thuộc thế kỷ thứ 17, nhưng mãi đến năm 1825 thì mới đặt tên là Quốc tự và là di tích của Phật giáo ngày nay. Sở dĩ chùa có tên là Tam Thai bởi chùa nằm trên hòn Thủy, mà hòn này có đến tận ba ngọn ở thế ba tầng giống nhau, nên được gọi là chùa Tam Thai.
Ngoài cái tên Tam Thai, chùa còn được biết đến cái tên khác là chùa Trong, còn chùa Linh Ứng được gọi là chùa ngoài. Hiện nay, chùa Tam Thai vẫn còn lưu giữ những di tích đặc trưng cho lối kiến trúc triều đình nhà Nguyễn. Bên cạnh chùa còn có rất nhiều các di tích chùa chiền khác như Tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tôn, chùa Linh Ứng, Vọng Giang Đài. Từ đây, du khách không chỉ được tham gia vào việc bái lễ, cầu an mà còn có dịp ngắm nhìn toàn cảnh núi Ngũ Hành Sơn từ trên cao, xa xa đó là sông Cổ Cò chảy êm đềm.
Nhờ vào vị trí đặc địa, tọa lạc trong không gian núi non đầy tĩnh mịch, ngôi chùa Tam Thai không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người địa phương mà còn là nơi tham quan của khách du lịch tứ phương. Khách sau khi đã khám phá ngọn Thủy Sơn và tham quan các hang động thì cũng ghé lại để thắp hương, lễ phật. Vì vậy, nếu không vội vã, bạn nhớ dành một ít thời gian để ghé thăm chùa, tìm hiểu về các bút tích còn sót lại cũng như cảm nhận một không gian thiền tịnh đầy an yên.
Thời điểm thích hợp để tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn
Bạn có thể đến chùa Tam Thai vào bất kỳ thời điểm nào vì danh thắng Ngũ Hành Sơn mở cửa quanh năm, chỉ trừ những ngày bão lũ hoặc là yêu cầu phải đóng cửa. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào cũng đi Ngũ Hành Sơn là hợp lý, vì có lúc thuận lợi, có lúc không thuận lợi.
Theo kinh nghiệm, bạn nên tránh đi vào tháng 10-12 vì đây là mùa mưa bão ở Đà Nẵng. Nếu không có bão thì mưa cũng dai dẳng, đường lên núi cực kỳ trơn trượt, mưa dầm dề nên việc tham quan cũng không được mấy suôn sẻ. Nếu như bạn muốn đi kết hợp với các địa điểm khác tại Đà Nẵng thì càng không nên, vì hầu như các khu du lịch sinh thái sẽ đóng cửa, các sự kiện không có nhiều và các điểm tham quan cũng ít nữa.
Thay vào đó, thời điểm đẹp nhất là tháng 1, 2 vì mùa xuân tiết trời dịu mát, không nắng gắt như là các tháng cao điểm của mùa hè. Hơn nữa, lượng khách đi vào lúc này cũng không quá đông, nên tình trạng chen lấn cũng sẽ không xuất hiện, tạo không gian thoải mái để bạn ngắm cảnh hơn. Còn nếu muốn kết hợp đi biển Mỹ Khê hoặc biển Non Nước gần đó, nên đi vào tháng 5, 6, 7 là lý tưởng nhất.
Thông tin về địa chỉ và hướng dẫn đường đi đến chùa Tam Thai Đà Nẵng
Chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn ở đâu?
Chùa Tam Thai nằm trên ngọn Thủy Sơn, 1 trong 5 ngọn núi thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, tọa lạc trên đường Huyền Trân Công Chùa, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Cách di chuyển đến chùa Tam Thai Đà Nẵng?
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Nam, bạn có thể dễ dàng đến chùa Tam Thai bằng xe máy, ô tô hoặc là xe buýt. Tùy thuộc vào kinh phí cũng như từng nhu cầu khác nhau mà việc lựa chọn phương tiện sao cho phù hợp nhất. Ở đây mình sẽ phân tích ưu điểm, nhược điểm của 3 loại hình di chuyển, để mọi người dễ dàng lựa chọn hơn.
+ Đi bằng xe máy:
Đi bằng phương tiện này ưu điểm dễ thấy nhất đó là bạn hoàn toàn chủ động, tự do về thời gian, về lịch trình. Nghĩa là bạn có thể đi về bất cứ lúc nào, nếu muốn thay đổi lịch trình thì cũng đơn giản. Hơn nữa, chi phí cũng rẻ, nếu thuê xe máy Đà Nẵng chỉ khoảng 120k/ xe, đổ 50k xăng chạy vi vu. Bạn có thể chạy theo 1 trong 2 tuyến đường sau:
- Tuyến 1: Võ Nguyên Giáp – Trường Sa – Non Nước.
- Tuyến 2: Lê Văn Hiến – Non Nước.
Với những bạn chưa có từng có kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng bao giờ, có thể tra google maps, chỉ cần đứng ở vị trí cầu Trần Thị Lý hoặc cầu Rồng là đi rất dễ, một đường thẳng là tới, không rẽ nhiều. Thời gian di chuyển bằng xe máy tầm khoảng 30 phút là tới.
+ Đi bằng xe buýt:
Hiện nay có tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An đi từ bến xe trung tâm có đi ngang qua khu vực Ngũ Hành Sơn, bạn có thể bắt xe buýt để đi cho rẻ, chỉ 25k/ lượt. Xe có nhiều lượt chạy trong ngày, cứ cách 20 phút cho 1 chuyến, bạn cũng lưu ý nếu xác định về bằng xe buýt thì nên canh trước 5h30 vì tầm thời điểm này là xe ngừng hoạt động.
+ Đi bằng taxi:
Ở Đà Nẵng rất dễ dàng bắt taxi, bạn có thể gọi lên hãng hoặc là đứng bắt trực tiếp giữa đường vẫn được. Nếu đi theo đoàn, có người lớn và trẻ nhỏ thì nên đi taxi cho tiện, ít nắng nôi mà lại rộng rãi, thoải mái.
Giá vé tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn bao nhiêu tiền, mua ở đâu?
– Giá vé tham quan chùa Tam Thai bao nhiêu tiền?
Hiện nay, giá vé vào Ngũ Hành Sơn gồm có 2 loại vé, 1 là vé vào cổng bao gồm tất cả các điểm tham quan trên ngọn Thủy Sơn, đã bao gồm chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai, động Huyền Không, tháp Xá Lợi,v… 2 là vé tham quan động Âm Phủ, cụ thể như sau:
+ Điểm tham quan Ngũ Hành Sơn
- Đối với người lớn: 40k/ người
- Đối với học sinh sinh viên: 10k/ người
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí
+ Điểm tham quan Động Âm Phủ
- Đối với người lớn: 20k/ người
- Đối với học sinh sinh viên: 7k/ người
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí
Ngoài ra, ở Ngũ Hành Sơn còn bán vé đi thang máy lên núi, với giá 15k/ lượt, 30k/ khứ hồi. Nếu bạn cảm thấy sức khỏe không đủ leo núi thì nên đi thang máy cho tiện, mà đa phần mọi người thường đi bộ nhiều hơn mục đích là để ngắm cảnh, khi về thì mới đi thang máy cho nhanh.
– Vé tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn mua ở đâu?
Để mua vé, bạn chỉ cần đi vào khu vực Ngũ Hành Sơn là sẽ thấy điểm bán vé rất dễ dàng. Giá vé ở đây niêm yết, nếu trong đoàn có trẻ em hoặc là học sinh, sinh viên, bạn có thể mang theo giấy khai sinh hoặc là thẻ học sinh, sinh viên để được giảm giá.
Thuyết minh về chùa Tam Thai Đà Nẵng điều du khách tò mò nhất
– Chùa Tam Thai được xây dựng vào năm nào?
Tên Tam Thai được đặt theo tên của ba ngọn núi, tương truyền khi mới xây dựng vào năm 1630 chùa có tên là Tam Thai Tự. Đến thời Tây Sơn bị hư hỏng hoàn toàn, đến năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng, chùa lại được phục dựng, lấy tên là Quốc Tự. Đến nay, sau nhiều lần trùng tu ngôi chùa đã khang trang hơn nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính. Nơi đây cũng lưu lại bút tích của vị vua nhà Minh cũng như tấm biển Tam Thai Tự khi xưa.
– Lịch sử chùa Tam Thai qua bao năm có gì thay đổi?
Qua một thời gian tồn tại kể từ khi vua Minh Mạng đến đây và đặt tên chùa là Quốc tự, chùa Tam Thai đã bị một cơn bão lớn tàn phá giữ dội, phá hỏng toàn bộ. Sau đó, đến năm 1907, ngôi chùa mới được phục dựng lại, được xây theo kiểu chữ Nhất, lợp ngói lưu ly tròn, ở phía trên nóc có hình “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Ở bên trong chùa có thờ phật Di Lặc bằng đồng đặt chính giữa, ở bên phải là tượng Hộ Pháp, ở bên trái là tượng Quang Công, ở cửa ra vào có tượng Tả Phù, Hữu bật cùng với Thập Bát La Hán.
Đến năm 1995, chùa lại tiếp tục được trùng tu một lần nữa, cho xây dựng xi măng cốt sắt rất kiên cố lợp ngói âm dương, phía trên cũng có hình “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” và bộ Tứ Linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Bên trong chùa có các cột ở tiền đường cũng được trang trí rồng phượng rất đẹp. Nay, chùa có thờ 4 vị thần gồm Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Ttá, Phật Thích Ca và Văn Thù Bồ Tát.
Đến nay, chùa vẫn còn giữ một số các bút tích, chính là các hoành phi, liên đối từ thời các vua triều Nguyễn. Nổi bật nhất là có bức “Ngự chế Tam Thai Tự” có từ thời Minh Mạng 6 năm 1825.
Nét độc đáo hiếm thấy trong kiến trúc của chùa Tam Thai Đà Nẵng
Để đến được chùa Tam Thai, từ chân ngọn Thủy Sơn, bạn chỉ cần men theo 156 bậc đá ở phía Tây là có thể đặt chân đến chùa. Còn nếu muốn đi chùa Linh Ứng, chỉ cần đi hết 123 bậc đá ở phía Đông.
Kiến trúc đền chùa gồm 3 khu vực: cổng Tam Quan, nơi thờ phật và các công trình khác. Chùa cũng có 3 tầng, tầng thứ nhất gọi là thượng thai, tầng thứ hai gọi là trung thai, tầng thứ ba gọi là hạ thai.
Theo như những kiến trúc và dấu tích để lại thì chùa được thiết kế theo lối kiến trúc của chùa chiền thời Nguyễn, tổng quan ngôi chùa theo hình chữ Vương với các đường nét điêu luyện. Bên ngoài là cổng tam quan được thiết kế theo kiểu lầu chuông lợp mái trông vô cùng cổ kính. Phía trước chùa là sân vườn, nơi du khách có thể dạo chơi, điểm nhấn chính là ở giữ có đặt một bức tượng phật di lặc bằng đá sa thạch.
Còn bên trong là chánh điện, nơi du khách đến thắp hương cầu nguyện, có thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Đức Thế Chí. Mái chùa được lợp ngói lưu ly, trên nóng có tượng hai con rồng dưới nguyệt, đây cũng được xem là một kiến trúc tiêu biểu của lối kiến trúc thời nhà Nguyễn. Ngày nay, chùa vẫn còn giữ lại tấm kim bài của vua Minh Mạng rất đáng trân quý.
Ngoài các hạng mục công trình chính, nhà chùa còn cho trông thêm nhiều cây xanh để tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ tạo nên nét đẹp của chùa cũng như là du khách có thể vãn cảnh chùa.
Những điều nên trải nghiệm khi đến với chùa Tam Thai Đà Nẵng
– Khám phá nét kiến trúc độc đáo của chùa Tam Thai
Là một ngôi chùa cổ, mang đậm nét kiến trúc chùa chiền thời nhà Nguyễn nên nơi này vẫn lưu lại sự cổ kính rất đáng để chiêm ngưỡng. Bạn có thể chọn cách đi từ ngoài vào trong, thắp nhang cầu tự và dành ít thời gian để vãn cảnh chùa. Dường như, tất cả các dấu tích về những biến động của lịch sử vẫn còn lưu lại trên từng nét kiến trúc ở đây. Bên cạnh những công trình chính thì chùa Tam Thai trên núi Ngũ Hành Sơn còn có Vọng Giang Đài, nằm ở vị trí cao nhất của ngọn Thủy Sơn.
– Ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp nơi chùa Tam Thai
Nằm ngay trên ngọn Thủy Sơn, cũng là ngọn núi cao nhất ở Ngũ Hành Sơn, vì thế mà nơi này được ví như là nơi giao hòa của trời đất. Đứng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa sẽ nhìn thấy cả một không gian núi non hùng vĩ của Ngũ Hành Sơn, xa xa là dòng sông Cẩm Lệ đangg uốn lượn qua những ngôi làng mạc yên ả. Ở phía dưới chính là làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước với lịch sử hơn 600 năm.
– Cùng chùa Tam Thai check in những bức ảnh nghệ thuật
Nếu bạn đã ghé đến chùa Tam Thai, nhất định cũng đừng quên tạo một vài kiểu ảnh để lưu niệm. Dường như, mỗi ngóc ngách bên trong chùa đều rất đáng để lưu lại, từ cổng dẫn vào bậc thang lên chùa, cổng Tam Quan cổ kính cho đến toàn bộ cảnh chùa. Với lối kiến trúc cổ kính, xa xưa cùng với nét bí ẩn hứa hẹn sẽ cho ra những bức hình đậm chất nghệ thuật. Đâu cần phải đi đâu xa, ngay tại ngôi chùa Tam Thai này, bạn cũng có thể sống ảo ngợp trời rồi.
Một số kinh nghiệm đi tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn bạn cần biết?
+ Nên chuẩn bị gì trước khi đi đến chùa Tam Thai?
Vì điểm tham quan Ngũ Hành Sơn nằm không quá xa thành phố, lại có khá đông khách du lịch nên bạn không cần phải lo lắng hay chuẩn bị gì nhiều. Đôi khi, bạn chỉ cần đi thôi mà chẳng cần mang theo thứ gì. Tuy nhiên, nếu có kết hợp đi thêm các hang động gần đó thì bạn nên chuẩn bị thêm một vài thứ cho an tâm.
- Đầu tiên là đèn pin, vì khi di chuyển vào sâu bên trong, để đảm bảo an toàn bạn nên có sẵn một thiết bị chiếu sáng. Điều này để thuận lợi hơn cho từng bước chân, dễ nhìn thấy mọi thứ bên trong cũng như tránh được các vật trở ngại trên đường đi.
- Vì leo núi sẽ khá là mệt, khi ấy bạn cần tiếp thêm nước và đồ ăn nhẹ. Ở trên núi người ta có bán đồ ăn vặt, nhưng nếu kỹ hơn bạn nên chuẩn bị bánh ngọt, trái cây để lót bụng dọc đường.
- Vì đường lên núi đa phần là bậc thang đá, mặt đường lại gồ ghề nên để bảo vệ cho đôi chân cũng như thuận tiện trong việc di chuyển, bạn nên chuẩn bị cho mình một đôi giày thật chắc và êm. Tuyệt đối không mang giày cao gót, có thể là giày đế cao nhưng không quá cao, bởi nếu đi một trong gian dài dễ khiến giãn tĩnh mạch ở chân.
+ Một số lưu ý khi dâng hương ở chùa Tam Thai Đà Nẵng
- Để tránh phạm đến chùa cũng như những nơi linh thiêng khác, bạn nên chú ý về ăn mặc, nhất là khi muống vào lễ chùa. Còn nếu cảm thấy trang phục chưa thực sự lịch sự, bạn có thể chỉ tham quan ở khuôn viên bên ngoài, tránh vào bên trong khu vực thờ tự.
- Chỉ nên chụp hình ở bên ngoài, hạn chế chụp hình các khu vực thờ vì điều này không hẳn là tốt. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn chụp hình ở đâu nhớ xin phép thầy chùa trước khi chụp. Vì thường một số chùa sẽ có khu vực cấm chụp hình để bảo vệ sự tôn nghiêm nơi cửa chùa hoặc vì một số lý do khác.
- Khi đi lên các đỉnh, đặc biệt là Thượng Thai, đường đi khá nhỏ, tay vịn không chắc, nên bạn cần chú ý về việc di chuyển.
Để hiểu hơn hết về nguồn gốc cũng như những điều thú vị xung quanh chùa Tam Thai cũng như là toàn bộ Ngũ Hành Sơn, bạn nên thuê cho đoàn một thuyến minh viên, họ sẽ là người bạn đồng hành giúp bạn giới thiệu về nơi này. Đi Ngũ Hành Sơn mà vừa ngắm cảnh đẹp, vừa am hiểu nhiều hơn về lịch sử sẽ rất thú vị.
Đi chùa Tam Thai có nên mua gì về làm quà hay không?
Chùa Tam Thai nằm ngay trên ngọn núi Ngũ Hành, ngay bên cạnh từ lâu đã nổi tiếng với làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Chính vì điều này mà khi đến với chùa hay các di tích khách ở đây, mỗi du khách đều chọn lấy cho mình một vài các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá để giữ làm kỷ niệm, trang trí trong phòng khách hoặc là tặng cho người thân yêu của mình.
Các sản phẩm của làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn vô cùng đa dạng, từ những chiếc vòng tay, trang sức, đá phong thủy cho đến các bức tượng trang trí, các bức điêu khắc với hình ảnh của Tứ Linh,vv… Ở đây phải nói là thiên đường của đồ đá mỹ nghệ, vô cùng phong phú và đẹp mắt. Đã đến với làng đá Non Nước, một làng nghề truyền thống nổi tiếng của Đà Nẵng, đã tồn tại hơn 500 năm thì chẳng có lý do gì mà bạn lại không mua về để làm kỷ niệm.
Tham quan chùa Tam Thai nên đi tự túc hay là đi tour?
Hiện nay, có 2 hình thức cho bạn nếu muốn đi chùa Tam Tham, đó là 1 là đi tự túc, 2 là đi tour. Đi tự túc nghĩa là bạn sẽ tự chủ động lên lịch trình của mình, còn nếu đi tour thì sẽ có người lo trọn gói từ A-Z. Mỗi hình thức đều có ưu điểm riêng, nếu như đa phần bạn trẻ đều chọn đi tự túc, vì có thể đi lâu mau tùy ý, còn những khách đoàn thì chọn đi tour.
Theo kinh nghiệm, nếu bạn lần đầu đến Đà Nẵng, chưa biết đường đi hay sợ xảy ra vấn đề gì, tốt nhất nên đi tour. Hiện nay các tour được tổ chức khá linh động, giống như bạn đi tự túc bình thường, duy chỉ có khác biệt là có sẵn hướng dẫn viên, có ăn uống, xe cộ đi lại. Như vậy, một phần nào đó tour cũng giúp bạn tính toán được tiền bạc, thời gian sao cho hợp lý nhất.
Hiện nay đi Ngũ Hành Sơn không có tour riêng mà là tour kết hợp, vì đơn giản nếu chỉ đi Ngũ Hành Sơn không thôi thì chỉ mất khoảng 2 tiếng là cùng. Trong khi đó, tour Ngũ Hành Sơn Hội An 1 ngày là tour kết hợp 2 địa điểm nổi tiếng của Đà Nẵng, đó là quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An. Theo lịch trình, xe sẽ xuất phát vào buổi chiều, để du khách tham quan Non Nước khoảng 2 tiếng, sau đó tiếp tục lên xe di chuyển về Hội An.
- Gợi Ý: Tour Hội An Ngũ Hành Sơn 1 ngày khám phá 2 danh thắng nổi tiếng miền Trung
Một số điểm tham quan khác tại Ngũ Hành Sơn ngoài chùa Tam Thai
+ Chùa Linh Ứng
Nhắc đến cái tên chùa Linh Ứng, mọi người sẽ nghĩ đến ngôi chùa Linh Ứng cao lớn nằm trên bán đảo Sơn Trà. Cũng dễ hiểu thôi vì đây là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất Đà Nẵng, tuy nhiên ở quần thể Ngũ Hành Sơn cũng có một ngôi chùa mang tên Linh Ứng, nằm gần với chùa Tam Thai. Đây cũng là một ngôi chùa cổ nhất nhì thành phố, mang nét linh thiêng huyền bí, hằng năm vẫn thu hút hàng triệu khách du lịch đến cầu an, cầu tài lộc.
Được xây dựng từ đời Vua Gia Long, đến nay chùa Linh Ứng đã trải qua nhiều lần đổi tên và đến năm 1841 đã được vua Thành Thái đặt cho tên là Linh Ứng tự, và cái tên này cũng được giữ nguyên cho đến tận bây giờ. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được vẻ cổ kính, nguy nghiêm. Đến nay, khi đến thăm chùa, du khách sẽ được nhìn thấy hiện vật vô cùng quý hiếm, đó là 2 biển vàng, một cái đề “Ngự chế ưng chơ tự – Minh mạng lục niên (Phong quốc tự năm Minh Mạng thứ 6) và một cái đề “Cải Tử” nghĩa là đổi lại thành Linh Ứng tự dưới thời Thành Thái thứ 3.
Xem thêm: Chùa Linh Ứng Non Nước Đà Nẵng – Địa điểm linh thiêng nhất Ngũ Hành Sơn
+ Đông Huyền Không
Nằm trong ngọn núi đẹp và lớn nhất Ngũ Hành Sơn, động Huyền Không là một điểm thu hút du khách nhất nhì ở đây. Bởi bên trong động toát ra những đường ánh sáng huyền ảo từ phía vòm động, xung quanh động là những vách đá có thạch nhũ chảy xuống tạo thành những hình thù quái dị, độc đáo. Cùng với nhiều đền thờ được dựng giữ không gian mờ mờ, ảo ảo càng khiến cho động Huyền Không trở nên huyền bí, mê hoặc.
+ Động Âm Phủ
Cùng với động Huyền Không, động Âm Phủ cũng là một trong những động đẹp nhất nhì ở Ngũ Hành Sơn. Không chỉ vậy, theo như đánh giá thì động này cũng chính là động dài, bí ẩn và phức tạp nhất trong tất cả các động. Dù được biết đến là động tự nhiên, song các hình thù của đá lại đúng với luật nhân quả, như thể là nơi mà con người sẽ được thưởng hoặc bị nhận quả báo sau khi chết. Bạn có thể chọn đường lên Thiên Đường với ánh sáng rực rỡ hoặc đường xuống âm phủ với không khí lạnh lẽ, âm u luôn bao trùm.
Gợi Ý: Khám phá nét huyền bí của Động Âm Phủ thu hút nhất Đà Nẵng
Nổi tiếng là vùng địa linh của xứ Quảng, nơi hội tụ vẻ đẹp núi non, biển cả và nơi ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, Ngũ Hành Sơn quả thực là một điểm sáng du lịch của Đà Nẵng. Và ngôi chùa Tam Thai, một ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng được ví như một chốn thiên thai của trần gian. Đó cũng là lý do mà bất kỳ ai cũng muốn tìm về, để thực sự có những giây phút bình yên, thư thả cho tâm hồn.
Chào mọi người, mình là Diên một cái tên thật lạ nhưng nó cũng đặc biệt như chính con người và sở thích của mình vậy. Mình thích rong ruổi đây đó, thích đi đến những nơi có phong cảnh đẹp, thích ăn những món ngon. Vì mình nghĩ, tuổi trẻ có là bao, cứ sống và trải nghiệm thật nhiều để không phải tiếc nuối. Hãy đồng hành nếu bạn cũng có sở thích du lịch như mình nhé!